Chùa Kim Liên Quận Tây Hồ
Lịch sử Chùa Kim Liên
Vào thời Lý, vua Lý Thần Tông (1128-1138) cho lập một cung điện mang tên cung Từ Hoa. Để Từ Hoa công chúa cùng các cung nữ trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Bên trong khu vực có tên là Trại Tằm Tang. Khi công chúa qua đời, trên nền cũ của cung điện dựng lên một ngôi chùa.
Sang thời Trần, trại Tằm Tang đổi thành phường Tích Liên và chùa được mang tên Đống Long. Đến thời Hậu Lê (1428 – 1789) vào năm 1443, chùa được dựng lại, mang tên Đại Bi. Năm 1771 chùa được Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm cấp tiền hưng công tu tạo chùa. Khi hoàn thành đổi tên chùa là Kim Liên tự. Bên trong chùa cũng có tượng thờ Trịnh Sâm, ghi nhận công tích của ông. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa được xây dựng, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay. Đến năm 1793 cùng đời vua Quang Trung chùa đã hoàn tất về diện mạo.
Kiến Trúc Chùa Kim Liên
Cổng tam quan chùa Kim Liên quận Tây Hồ được đánh giá là bề thế, độc đáo so với những cổng chùa khác. Kiến trúc cổng tam quan nổi bật lên những hình chạm nổi tinh tế trên mặt gỗ. Tổng thể gồm một hàng bốn cột gỗ tròn. Bên trên có hệ con sơn đua rộng ra phía tầng dưới, thu hẹp dần ở tầng trên đỡ bộ vì mái với những tàu đao vút cong. Đầu đao có gắn hình tứ linh bằng gốm nung tinh xảo. Chính giữa cửa chùa là ba chữ sơn son “Kim Liên Tự” nghĩa là chùa Kim Liên
Bố cục của chùa bao gồm một trục đối xứng từ tam quan đến nhà Tổ. Từ tam quan đi vào một khoảng sân dẫn vào ba nếp chùa xếp song song theo hình chữ “tam”. Thứ tự từ chùa Hạ, chùa Trung quay mặt về hướng Tây đến chùa Thượng quay mặt về phía Đông. Ba lớp chùa được liên kết với nhau bằng tường gạch để trần có trổ cửa sổ tròn lồng chữ nhà Phật.
Mái chùa Kim Liên lợp ngói với cấu trúc hai tầng theo kiểu chồng diêm. Mỗi nếp 8 mái, có tám tàu đao hình rồng uốn cong. Chân cột kê trên đá tảng chạm hình hoa sen cách điệu. Chùa Kim Liên hướng về phía Tây Nam, ra phía hồ Tây. Chùa nằm trên một bán đảo, nhô ra hồ, mặt phía Bắc là hồ, mặt phía Nam là ao dài Nghi Tàm. Chùa gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Tiền đường, Trung đường, Hậu đường (đặt song song với nhau tạo thành hình chữ “tam”) và các công trình phụ trợ khác.
Nghi môn chùa Kim Liên
Nghi môn hay Tam quan chùa Kim Liên đặt trên một bệ gạch cao 1 bậc so với mặt sân. Có kiến trúc gỗ rất độc đáo, trông bên ngoài giống như một tòa phương đình, hay tháp chuông. Thay vì là các trụ biểu bằng gạch kiểu truyền thống. Nghi môn chùa Kim Liên là 4 cột gỗ lim tròn, chân cột chôn ngàm trong khối đá tảng chạm hình hoa sen cách điệu. Bên trên có hệ con sơn đua ra đỡ bộ vì mái lợp ngói vẩy với những đầu đao cong.
Hình khối Nghi môn được tạo thành bởi 3 khối cổng. Khối cổng chính giữa cao với 4 mái. Hai khối cổng phụ hai bên thấp với 3 mái. Trên các kết cấu gỗ được chạm khắc hình rồng, hoa lá tinh xảo.
Cửa gỗ chính giữa Nghi môn kiểu “thượng song, hạ bản”, hai cửa bên dạng cửa bức bàn.
Hai bên Nghi môn có 4 tấm bia đá, 2 tấm phía trong và 2 tấm phía ngoài.
Tiền đường chùa Kim Liên
Tiền đường (chùa Hạ) là một tòa nhà đặt trên một bệ cao 3 bậc so với mặt sân, 5 gian, mái chồng diêm, 2 tầng, 8 mái. Mặt trước 3 gian giữa là các cửa bức bàn. 2 gian đầu hồi xây gạch mộc với cửa tròn hình sắc sắc, không không.
Phần lớn diện tích Tiền đường để trống. Đây là nơi chuẩn bị các đồ tể lễ và tinh thần trước khi vào Tam bảo.
Hai đầu hồi Tiền đường là các ban thờ Công đồng Phật và cửa ngách thông ra sân hai bên.
Trung đường chùa Kim Liên
Tiền đường (chùa Trung) là một tòa 3 gian, mái chồng diêm, 2 tầng, 8 mái. Công trình cao hơn so với tòa Tiền đường phía trước và Hậu đường phía sau. Đây là nơi được chạm khắc nhiều nhất.
Ban thờ trong Trung đường tại gian giữa có các lớp tượng theo triết lý nhà Phật. Từ lớp trên cùng là tượng Quan Âm Nam Hải, đến lớp cuối cùng là tòa Cửu Long. Đáng chú ý tại đây là tượng Quan âm Nam Hải 42 tay, cao 1,2m với các bàn tay xếp so le, được chạm khắc tinh xảo.
Hai bên Ban thờ là hai dãy hành lang nối thông sang tòa Hậu đường. Dọc theo hành lang là các dãy tượng La hán.Hai đầu hồi tòa Trung đường có cửa ngách thông ra sân hai bên. Sân này được các dãy nhà Khách, nhà Tăng hai bên chùa và nhà Tổ phía sau chùa bao kín. Bên trong có các cây nhãn, khế cổ thụ.
Hậu đường chùa Kim Liên
Hậu đường (chùa Thượng) là một tòa 5 gian, mái chồng diêm, 2 tầng 8 mái, tương tự như tòa Tiền đường.
Bên trong Hậu đường, tại gian giữa, đặt ban thờ với các lớp tượng theo triết lý nhà Phật. Có những khác biệt so với ban thờ tại Trung đường. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế, tiếp theo có tượng A-di-đà với hai Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngồi ở hai bên. Dưới cùng là tượng các tôn giả A Nan, Ca Diếp đứng chắp tay.
Bên trái ban thờ Hậu đường còn có ban thờ Quan Âm Tống Tử.
Phía sau Hậu đường là nhà thờ Tổ, bên trong trang trí đơn giản.